Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

QUY LUẬT “SINH TỬ NGỮ”




Có một nhà thông thái chế tạo được một cỗ xe du hành thời gian.
Nhà thông thái đã nhiều lần đánh xe du hành về quá khứ.

Nhưng rất đáng tiếc, vì không giỏi ngoại ngữ nên ngài chỉ du hành loanh quanh trong phạm vi đất nước mình mà thôi.
Mặc dù vậy, ngài đã phát hiện ra một quy luật quan trọng. Đó là “Quy luật sinh tử của ngôn ngữ”, gọi tắt là “Quy luật sinh tử ngữ”.
Ngài nhận thấy rằng ngôn ngữ là một “thực thể sống”, luôn biến đổi, “có sinh có diệt” giống hệt con người vậy.
Để chứng minh luận điểm này, ngài đã kể lại lúc ngài du hành về thế kỷ 15, gặp tổ tiên, nghe họ nói ngài chỉ hiểu lõm bõm thôi, bởi vì phần lớn từ ngữ tiếng Việt họ nói nay đã qua đời, đã chết rồi, đã tử vong con ong luôn rầu còn đâu. Họ lấy sách chữ Nôm “Quốc âm thi tập” của cụ Nguyễn Trãi đọc cho ngài nghe nhưng ngài cũng như “vịt nghe sấm”, hiểu lõm bà lõm bõm câu được câu chăng mà thôi.

Phát hiện này của ngài thật vĩ đại bởi nó cho chúng ta biết được nguyên nhân vì sao chúng ta không thể hiểu hoặc chỉ hiểu lơ tơ mơ mấy tác phẩm văn chương chữ Nôm (đã phiên âm quốc ngữ) của tổ tiên ông bà xưa để lại.
Đó là bởi ách nô lệ và phụ thuộc văn hóa của giặc suốt 2 ngàn năm, rồi chiến tranh liên miên khiến dân Việt ta không có điều kiện để gìn giữ tiếng mẹ đẻ, đành cay đắng nhìn nó chết dần chết mòn. Nếu tiếng ta không bị chết nhiều như vậy thì chuyện đã khác rồi.
Phát hiện này còn cho chúng ta hiểu tại sao nhà văn hóa kiệt xuất của nước ta lại dạy: Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quí báu của dân tộc. Chúng ta phải quí trọng nó, giữ gìn nó và làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Lời dạy cho chúng ta thấy rõ việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ vô cùng quan trọng.

Giang hồ đồn rằng người ta định đề nghị lên Dìu-nhét-cô khen thưởng cho phát hiện này nhưng rồi lại thấy nó chỉ có giá trị đối với tiếng Việt nên thôi. Người ta đã đổi tên “Quy luật sinh tử ngữ” thành ra “Quy luật sinh tử Việt ngữ”.
Nó không áp dụng được với tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, Tàu…
Ví dụ như nước Tàu có những kiệt tác lừng lẫy thế giới của Tiên thơ Lý Bạch và Thánh thơ Đỗ Phủ cách đây hàng ngàn năm nhưng nay vẫn còn y nguyên giá trị văn chương, giá trị tư tưởng, không sứt mẻ một chữ nào, ai biết chữ Hán đều đọc và hiểu được cả, làm quái gì có chuyện diệt vong chết chóc vớ vẩn ở đây!

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng
             (Lý Bạch, Thanh bình ca 1)
CUANH

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

,,,,,