Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

CHUYỆN ANH HÙNG BÀN PHÍM


ANH HÙNG ẢO
Giấu mặt tung hoành gây tiếng vang
Anh hùng bàn phím chính tên chàng
Hiểm thâm bụng dạ loài chồn cáo
Nanh nọc tâm hồn giống sói lang
Ra vẻ như là nhà đạo đức
Ẩn tàng đích thực thứ tà gian
Vung tay xuống ngón phun lời độc
Sống chết mặc bay cứ phán càn
QN

Người ta định nghĩa:
”Anh Hùng bàn phím” là những người chỉ biết ngồi trước màn hình máy tính và gõ bàn phím phê phán, chỉ trích người khác hoặc có thể tự khen ta đây có thể làm được thế này, được thế kia… nhưng ngoài đời thực thì không đúng như vậy và có thể là người nhút nhát không làm được gì.
”Anh Hùng bàn phím” thể hiện bằng những việc: “Ném đá” thẳng tay mà không cần biết hậu quả; phê phán, bất bình một cách cảm tính dù chưa hiểu rõ nội tình; chuyên soi mói bắt lỗi người khác; chuyên tung ra những bình luận kinh khủng, gây tổn thương cho người khác; vào nhà người khác chửi, “chém” chuyện không liên quan mình.

Trước đây các vị AHBP đã  bị cộng đồng mạng phê phán dữ dội vì gây ra những hậu quả nghiêm trọng chết người (các vụ nữ sinh tự tử), xúc phạm danh dự nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu…

Gần đây có vụ mấy chú trẻ trâu xúc phạm đạo Hồi và khiêu khích tổ chức nhà nước Hồi giáo IS, khiến cộng đồng mạng giận dữ.

Mới đây lại có vụ bản dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà” trong sách giáo khoa gây tranh cãi. Nhiều ý kiến trái chiều về hai bản dịch mới và cũ. Và, những AHBP không bỏ lỡ cơ hội nhảy vào bình loạn nhí nhố. Có thể kể ra đây vài vị anh hùng tiêu biểu:

CHU HUONG: Có phải tình yêu đôi lứa đâu mà tan vỡ ?? Nghe sến súa quá. (VỊ anh hùng này trong đầu chỉ chứa toàn truyện ngôn tình ướt át nên không biết gì ngoài tình yêu trai gái!)

NGUYEN LONG : Đây không phải là bản dịch. Câu 2 nguyên bản là : Rành rành định phận tại thiên Thư. Rành rành sao có thể dịch là vằng vặc, Định phận sao dịch là xứ sở ? (Vị này thì quá ngố, không biết gì là nguyên bản!)

ALIBA: "vằng vặc" là nghĩa gì ? Từ đó giờ chưa thấy người Việt nào dùng cả ???  (Vị này chắc là người Ả rập!)

NGUYEN BAO: mình thì nhớ bản chữ Nôm: “Nam quốc sơn hà nam đế cư…” (Vị này không biết chữ Nôm là gì!)

CHU SINH: Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt không có vần. Các nhà dịch thơ có lẽ đã bỏ qua yếu tố cú pháp cuả thể thơ này...

VIA: Thơ thất ngôn bát cú có luật bằng trắc, Bản dịch mới không theo đúng vần điệu ở những khổ thơ nối tiếp nhau nên làm bài thơ đọc không vần, thiếu hồn.

VIETHANG: Vấn đề là dịch mới như vậy sai với cấu trúc thơ Đường luật về vần và Trắc, thơ Đường luật nó có quy luật rõ ràng về vần bằng trắc trong khi bản dịch này đâu có vần.

(3 vị cuối mù tịt về thơ nhưng lại thích nói chữ và không hề biết tác giả của bản dịch thơ là 2 nhà Hán học bậc thầy của Việt Nam)

Trên mạng G+ cũng không thiếu các anh hùng bàn phím.
Có một vị vào trang người khác đọc thơ và lạnh lùng phán: “Nhiều lỗi quá!”
Cứ tưởng may mắn được một bậc tiền bối với 2 bồ chữ trong bụng chiếu cố, hi vọng sẽ có cơ hội học hỏi thêm, nào dè đó chỉ là một chú em chuyên nghề lòng lợn ở Đà Nẵng!
Lại có một vị khi đọc câu thơ  “Cha cọp nào sinh ra chú cún” đã phán ngay: “Dùng từ không chuẩn, cha làm sao sinh ra chú được!”. Vị này nghĩ “chú cún” nghĩa là “chú của con cún” (!). Điều khôi hài là anh chàng ấm ớ tiếng Việt này lại mở một trang mạng chuyên dạy người khác làm thơ!
------------------------------------------
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ
(Lê Thước – Nam Trân)
---------------------------------------
Học giả Lê Thước (1891-1975)
Nhà thơ Nam Trân(1907-1967)

Không có nhận xét nào: