Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

CHUYỆN ĐỒI THÔNG HAI MỘ



Vũ Minh Tâm con trai đại điền chủ quê gốc Gò công, sinh viên trường Võ bị quốc gia Đà lạt và Lê Thị Thảo con gái viên công chức nghèo thành phố Đà lạt yêu nhau tha thiết. Hai người đã thề nguyền sống chết có nhau khi hò hẹn trên đồi thông bên bờ hồ Sương mai thơ mộng.

Sau khi tốt nghiệp, Tâm xin gia đình cưới Thảo nhưng gia đình Tâm chê nhà Thảo nghèo nên không đồng ý.

Thất tình, Tâm đăng ký đi lính, ra tuyến đầu máu lửa, lao vào chiến đấu để cố quên đi mối tình ngang trái.

Một ngày tháng 4 năm 1956, Thảo nhận được tin Tâm tử trận. Nàng tuyệt vọng nên ra đồi thông chốn hò hẹn thề nguyền cũ quyên sinh. Gia đình chôn cất nàng ngay nơi đó theo ý nguyện cuối cùng của nàng.

Nhưng Tâm không chết. Tin tử trận chỉ là một sự nhầm lẫn. Sau khi Thảo lìa đời hơn nửa năm, chàng trở lại Đà lạt thăm người tình thì mới hay nàng đã vì mình mà chết. Chàng đau đớn cực cùng và đã tự tận bên mộ nàng cho trọn tình vẹn nghĩa đúng với những lời thề nguyền của hai người. Và chàng cũng được chôn cất cạnh nàng theo ý nguyện.

Xót xa cho cuộc tình có kết cục bi thương, đầu những năm 60, nhạc sĩ Hồng Vân đã viết bài ca “Đồi thông hai mộ” làm rung động biết bao con tim non. Nhiều thanh niên nam nữ vì thất tình tìm tới bờ hồ Sương mai khóc thương than thở và có người đã nhảy xuống hồ tự tử.

Từ đó hồ Sương mai đổi tên thành Than thở và nổi danh trên toàn miền Nam nước Việt.

Ngày nay, chính quyền thành phố Đà lạt đã cho sửa sang tôn tạo hai ngôi mộ minh chứng cho một truyền thuyết tình yêu vĩ đại để … phục vụ du lịch!

Truyền thuyết về mối tình chung thủy được nhạc sĩ Hồng Vân khai sinh cái tên “Đồi thông hai mộ” kể trên được coi là trung thực nhứt trong hàng chục câu chuyện khác kể về sự tích hai ngôi mộ bên hồ Than thở.

Thực hư ngọn nguồn hai ngôi mộ đó chỉ có trời mới biết!
Nhưng riêng câu chuyện truyền thuyết này có nhiều điểm không đúng.

1/ Trường Võ bị quốc gia Đà lạt là trường đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp của quân đội Sài gòn (trước gọi là sĩ quan hiện dịch, thường đùa là “đời đời là quân Việt nam”; khác với trường sĩ quan Thủ đức chỉ đào tạo sĩ quan trừ bị). Sau khi tốt nghiệp Tâm phục vụ trong quân đội với cấp bậc đầu tiên là thiếu úy. Vậy thì sao còn đăng lính đăng lác gì nữa!

2/ Thời điểm 1956, miền Nam còn yên bình thì làm gì có tuyến đầu máu lửa khốc liệt. Trước khi thiếu úy Tâm ra trường,  quân đội Sài gòn với lực lượng và khí tài hùng hậu đã dễ dàng quét sạch lực lượng chống đối nhỏ nhoi Bình xuyên và các giáo phái. Miền Nam chỉ có chiến tranh kể từ phong trào Đồng khởi Bến tre vào đầu năm 1960 và thực sự khốc liệt kể từ khi Mỹ đổ nửa triệu quân can thiệp trực tiếp vào miền Nam năm 1965.

3/ Nếu gia đình là đại điền chủ gốc Gò công thì Tâm phải mang họ Võ. Họ Vũ là của những người miền Bắc di cư vào Nam từ những năm 30 tới nay, không thể là đại điền chủ gốc được. Tuy rằng Võ và Vũ chỉ là một họ nhưng Nam Bắc nói và viết khác nhau. Tương tự ta có họ Huỳnh (Hoàng), Châu (Chu).

4/ Hai gia đình Tâm-Thảo, một là đại gia, một là trí thức, nhưng hai ngôi mộ tại sao không có được tấm bia tử tế (xem ảnh). Trên bia chỉ là dòng chữ viết đơn sơ, nguệch ngoạc, không khắc, không có ngày sinh, quê quán. Trông cứ như là mồ vô chủ! Lẽ nào “Đồi thông hai mộ” trứ danh từ đầu những năm 60 vậy mà cả hai gia đình của hai người trong cuộc lúc ấy lại không hay biết gì?

5/ Tên hồ Than thở, theo điều tra của một phóng viên lấy thông tin từ Trưởng phòng tư liệu Sở VH-TT&DL Đà Lạt hiện nay, thì hồ Than thở do thực dân Pháp xây dựng từ một cái ao thành hồ nhân tạo để lấy nước sinh hoạt cho thành phố Đà lạt vào đầu thế kỷ 20. Hồ này có tên ban đầu bằng tiếng Pháp là “Lac des Soupirs” dịch nghĩa là “Hồ than thở”. Tới năm 1956, chính quyền Sài gòn khai tử tên Tây và chính thức dùng tên Việt là “Hồ Than thở”. Sau năm 1975, có lẽ vì thấy cái tên "Than thở" nghe ”dễ xa nhau quá” nên chính quyền mới đổi thành “Hồ Sương mai”. Nhưng rồi tới năm 1990 theo xu thế “về nguồn” hồ Than thở lại trở về với cái tên chính của nó. Những điều này chứng tỏ truyền thuyết kể trên đã sai bét nhè! Chắc ai đó đã lắp ghép lung tung “đầu Ngô mình Sở” trong thời gian gần đây mà thôi.

6/ Bài ca “Đồi thông hai mộ” có phải nhạc sĩ Hồng Vân lấy cảm hứng từ chuyện tình Tâm-Thảo không thì chỉ có chính nhạc sĩ mới trả lời được. Nhưng tiếc thay, từ sau năm 1975 tới nay không một ai biết tung tích ông này! Nếu chỉ căn cứ vào lời ca thì không thể khẳng định được đó là một chuyện tình Đà lạt. Bởi nó không nói gì về thời gian, địa danh và nhân vật cụ thể. Trái lại, nếu đọc kỹ ta sẽ thấy sự việc rất khác.

Nàng” chết vì bịnh chớ không phải quyên sinh:
Hoa không tươi khi hay nàng ít nói
Chim muông ngừng tiếng hót

Trời không thương nên đêm đổ giông tố

Cướp đi cuộc đời nàng”. 


Chàng” cũng vậy:
Chàng tương tư bao năm về bên ấy 
Vắng đi từ đấy!



Về không gian và thời gian thì hai ngôi mộ là mộ vô chủ và có vẻ đã rất xa xưa chớ không phải chỉ cách mới vài năm trước khi nhạc sĩ sáng tác bài ca:
“Qua bao năm rêu xanh phủ che kín
Âm u chẳng nhang khói



Nhưng quả thực trước năm 1975 ở Sài gòn đã từng lưu truyền một truyền thuyết về tình yêu chung thủy với hai ngôi mộ và một đồi thông làm xao động tình cảm thanh niên nam nữ một thời. Vậy từ đâu mà có “Đồi thông hai mộ”?
(Còn tiếp)