Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

CUỘC SỐNG Ở CÕI ÂM


Thế giới người chết thường được gọi là thế giới bên kia hay cõi âm là thế giới của những vong hồn. Thế giới đó gần giống với thế giới ta đang sống. Những điểm khác biệt cụ thể là:


Thế giới ấy vô cùng từ bi, độ lượng, thực thà. Ở đó có đầy đủ những người đã chết từ ngàn xưa tới nay. Điển hình từ những nhân vật tên tuổi mà rất nhiều người biết như Việt quốc công Lý Thường Kiệt, vua Quang Trung, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, nhà cách mạng Phan Sào Nam, nghĩa sĩ Lương Ngọc Quyến… cho tới các bộ đội giải phóng, lính chế độ Sài gòn và các oan hồn uổng tử của các bào thai.

Thế giới này do những người Cộng sản nắm quyền quản lý hay chí ít họ cũng là lực lượng chiếm ưu thế, bởi vì vong của sĩ quan chế độ Sàigòn tỏ ra sợ hãi những vong bộ đội giải phóng.
(Không thấy có thằng lính Tàu, lính Tây, lính Nhựt, lính Mỹ nào cả. Có lẽ chúng đã hồi hương về cố quận).

Tuy vô cùng từ bi nhưng cũng có những trường hợp cá biệt. Chẳng hạn như lính nghĩa của ông Lương Ngọc Quyến vì ghét mấy người sống xâm phạm mồ mã của ông Quyến nên đã có hành động trả thù báo oán (!).

Trong thế giới này có ba tôn giáo. Những người theo đạo Phật cực kỳ thanh thoát. Những người theo đạo Lão và đạo Tứ phủ cực kỳ sân hận đủ thứ nhất là về chuyện cúng kiến (chẳng tí tẹo độ lượng!). Người theo đạo Phật nhanh chóng rời bỏ thân xác để siêu thoát về với gió núi mây trời. Còn người đạo Lão cứ khư khư giữ lấy cái mộ vùi thân xác mình nên rất khó được siêu thoát, họ vẫn ở mãi dưới đất chứ không thể bay lên mây được.
(Siêu thoát ở đây có nghĩa là bay lên mây, lên núi mà ở chứ chả phải đi đầu thai đầu chửa gì ráo! Những vong cán bộ chiến sĩ cách mạng chết ở nhà tù Phú Quốc sau khi được cầu siêu đã siêu thoát cả, chiều nào họ cũng họp mặt tại nghĩa trang liệt sĩ trên đảo Phú Quốc để vui chơi.
Còn những người theo đạo khác ngoài 3 đạo kể trên, có lẽ họ có thế giới riêng của tôn giáo họ nên họ không có mặt trong thế giới này).

Điều khác biệt lớn nhất với thế giới người sống là ở cõi âm con trai chết chưa vợ, con gái chết chưa chồng không bao giờ lấy nhau; một đứa trẻ chết ở lúc 3 tuổi thì một 100 năm sau vẫn là đứa trẻ 3 tuổi nhưng đứa trẻ ấy vẫn lớn lên ở tầm trí tuệ, kể cả những bào thai vẫn tỏ ra vô cùng thông thái cho dù chưa mở mắt và không biết nói (!).

Người cõi âm vẫn biết hưởng thụ vật chất và tinh thần. Cụ thễ là họ vui mừng vì sắp được quần áo mới nhưng tiếc thay những quần áo đó đã bị người sống đốt cháy thành tro bụi nên trớt huớt luôn ! (Vì vậy khi cúng hàng mã chớ nên đốt thi người âm mới xài được). Hoặc như trường hợp vua Quang Trung và gia đình gồm cha mẹ, vợ, anh em ruột cùng tất cả tướng sĩ tượng xa pháo mã tốt về dự lễ hội tại Bình Định, vua đã hạ chỉ sai chánh quyền tỉnh phải ra Hà Nội mời đoàn hát chèo về diễn cho Công chúa Ngọc Hân và quân sĩ thưởng thức.
(Sở dĩ vua Quang Trung không thể cùng gia đình và quân sĩ ra Bắc trực tiếp thưởng thức chèo có lẽ là vi vua sợ đi ngang Phú Xuân sẽ bị quân vua Gia Long chặn đánh. Hơn nữa nếu ra được Hà Nội thì lại chạm trán với quân của vua Lê, quân của chúa Trịnh đang sẵn sàng phục hận).

Những mô tả về cõi âm kể trên là tiết lộ của Thánh nữ ngoại cảm  hàng đầu Việt Nam với báo chí.

Điều oái oăm là các nhà ngoại cảm đều tự xưng là Phật tử. Thậm chí có người xưng là truyền nhân của Phật bà Quan Âm, được giao nhiệm vụ xuống trần gian để cứu nhân độ thế (!). Nhưng những gì họ nói về cõi âm lại trái ngược với quan niệm của Phật giáo.

Biết tin ai bây giờ?
Theo Phật giáo, con người có hai phần: Thể xácThần thức. Khi chết, thể xác bị hủy diệt nhưng thần thức vẫn còn và tùy theo nghiệp lực đã tạo ra trong kiếp sống mà đầu thai vào một trong 6 cõi: TrờiNgườiAtulaSúc sanh (hay Bàng sanh) – Ngạ quỷ - Địa ngục. Thời gian đi đầu thai là 49 ngày sau khi chết.

Trời: sống lành, tạo công đức to lớn, được đầu thai vào cõi trời.
Người: sống lành, tạo công đức không lớn, được đầu thai làm người.
Atula: hung hăng, hiếu thắng nhưng không gây tội ác thì đầu thai vào cõi này. Chúng sinh trong cõi này luôn đau khổ vì tranh chấp, giành giật hư danh hão vọng.
Súc sanh: sống không tốt, gian dối, có lỗi nhỏ thì đầu thai làm súc vật.
Ngạ quỷ: kẻ gian tham, độc ác đầu thai làm ma quỷ luôn đau khổ do đói khát vì không thể ăn uống bất cứ thức gì. Đồ ăn thức uống tới miệng liền hoá thành lửa. Loài ma quỷ này vất vưởng trên mặt đất.
Địa ngục: kẻ cùng hung cực ác, giết người, tàn hại sinh linh sẽ bị giam giữ trong địa ngục, luôn luôn đói khát và đau đớn bởi những hình phạt tra tấn.

Như vậy những vong hồn còn lang thang đâu đó trên mặt đất chỉ có thể  là loài ngạ quỷ đang chịu hình phạt mà thôi.

Hai quan niệm về vong hồn khác nhau kể trên:
Một là của Phật giáo, tổ chức tôn giáo có bề dày lịch sử mấy ngàn năm, đã từng là Quốc giáo của nước Việt triều đại Lý-Trần.
Một là của giới ngoại cảm, bao gồm những người được nhiều Giáo sư Tiến sĩ khoa học Việt Nam ủng hộ, được Nhà nước, Chánh phủ quan tâm.

Chẳng biết theo ai bỏ ai bây giờ !

QN